Hôm nay (22/5), ngày thứ 3 phiên tòa, HĐXX đã thẩm vấn để làm rõ 3 hành vi liên quan đến bầu Kiên là "kinh doanh vàng trái phép", "trốn thuế" và "cố ý làm trái".
Tổng giám đốc hờ
Khi HĐXX thẩm vấn về hành vi trốn thuế đối với Nguyễn Đức Kiên, tòa đã hỏi chính vợ của bầu Kiên - bà Đặng Ngọc Lan - Tổng Giám đốc công ty B&B.
Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên biết Quốc hội có Nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009 nên đã tìm cách trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho công ty B&B. Kiên chỉ đạo bà Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên, cổ đông của B&B). Nội dung hợp đồng là: Nguyễn Thúy Hương ủy thác cho công ty B&B đầu tư vào kinh doanh vàng ghi sổ với số lượng mua/bán là 600.000 lượng SJC.
Vợ bầu Kiên, bà Đặng Ngọc Lan tại tòa ngày 22/5
Cáo trạng xác định, trong năm 2009, công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Nhưng với việc ký hợp đồng ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương, công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng.
Trong vụ việc này, VKS cho rằng Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) và Thúy Hương (em gái Kiên) đã có hành vi tạo điều kiện cho Kiên trốn thuế và đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, bà Lan và Hương không biết và không tham gia vào hoạt động kinh doanh của công ty B&B mà chỉ làm theo chỉ đạo của Kiên. Hai người này cũng khai báo thành khẩn nên VKS cho rằng không cần xử lý hình sự.
Tại tòa hôm nay, phần lớn những câu hỏi của HĐXX về hoạt động của công ty B&B do chính bà Lan làm TGĐ, bà Lan đều trả lời không biết.
Tòa hỏi: Theo giấy phép kinh doanh, công ty được kinh doanh gì? - Bà Lan: Không nhớ. Chức vụ TGĐ là do chồng tôi đề xuất.
Bà có điều hành công ty không? - Không.
Ai ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB? - Tôi ký nhưng không có khái niệm.
Ai soạn thảo? - Không biết
Có đọc hợp đồng không? - Có đọc
Có nắm được công việc điều hành, kiểm tra tài chính? - Không rõ. Tôi tin tưởng chồng tôi.
Hoạt động điều hành đều do Kiên? - Đúng
Cũng giống với chị dâu, bà Thúy Hương (em gái bầu Kiên) đều cho rằng, mọi công việc đều hoàn toàn tin tưởng vào sự điều hành, chỉ đạo của anh trai mình.
Vàng trạng thái và trạng thái giá vàng
Về hành vi kinh doanh trái phép vàng, nội dung thẩm vấn đối với Lý Xuân Hải xoay quanh việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietinbank với ACB. Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản - cáo trạng) với khối lượng trạng thái bán trị giá hơn 2,9 nghìn tỷ đồng, trạng thái mua hơn một 141 tỷ đồng.
Bầu Kiên tại tòa ngày 22/5
Tòa cho biết, Quyết định 03 có hiệu lực từ năm 2006 quy định đối tượng được phép kinh doanh. Theo luật ủy thác tài chính, bị cáo ký năm 2009 như vậy là sai?
Nhưng bị cáo Hải cho rằng, vào thời điểm đó là ko sai. Quyết định 03 chỉ điều chỉnh hoạt động doanh nghiệp khi kinh doanh tài khoản ở nước ngoài. Bị cáo Hải còn cho hay, vào thời điểm ký kết, phạm vi điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Thiên Nam không bao gồm các sản phẩm phái sinh của vàng. Kinh doanh sản phẩm đó có đúng chức năng không thì các doanh nghiệp tự xác định họ có làm đúng chức năng không. "Tôi không xem giấy phép kinh doanh của họ, mà chỉ kiểm tra năng lực tài chính và uy tín", Lý Xuân Hải nói.
Lý Xuân Hải cũng cho rằng, mình đã đọc hợp đồng ủy thác giữa Vietinbank và ACB và thấy đủ điều kiện. "Tôi cũng tin là đủ" - Bị cáo Hải nói.
Tòa hỏi: Bị cáo có tham gia chuyển quyền giữa Vietinbank và Thiên Nam không? Bị cáo Hải: Không tham gia, đàm phán.
Vậy bị cáo có kiểm tra điều kiện của Thiên Nam không? - Cá nhân tôi không kiểm tra. Nhưng các đơn vị báo cáo lên là đã kiểm tra.
Việc kinh doanh này không có giấy phép? - Không phải là kinh doanh vàng nên không cần giấy phép.
Bị cáo Phạm Trung Cang tại tòa ngày 22/5
Trong buổi chiều, tòa làm việc về hành vi cố ý làm trái. Đây là vụ việc liên quan đến trách nhiệm của các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải. Theo cáo trạng, từ ngày 22/3/2010, ngân hàng ACB và ông Nguyễn Đức Kiên có chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Từ tháng 6 đến 9/2011, ông Lý Xuân Hải (Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu) đã chỉ đạo ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbanhk. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của Vietinbank) chiếm đoạt.
Phần xét hỏi này được kéo dài bởi trình bày lê thê của bị cáo Phạm Trung Cang về các cuộc họp của doanh nghiệp, thẩm quyền, đề xuất,...
Tòa tạm nghỉ và 8h sáng mai tiếp tục.
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét